(PetroTimes) - Nằm giữa trung tâm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, phía Tây tiếp giáp với Đồng Nai, phía Nam giáp với TP. Hồ Chí Minh, phía Đông giáp với thành phố biển Vũng Tàu; có hệ thống giao thông thuỷ bộ hết sức thuận lợi; có địa hình tiềm năng về đất đai, lao động phong phú; có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tầm cỡ khu vực và quốc tế, thị xã Phú Mỹ hội đủ mọi yếu tố để trở thành một thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng biển lý tưởng.
Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, trong đó xác định mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025”. Đặc biệt, cùng với sự kiện khánh thành kho cảng LNG đầu tiên tại Việt Nam, Phú Mỹ trở nên quan trọng và khác biệt, có một lợi thế phát triển chưa từng có ở cả vùng Đông Nam Bộ.
Phú Mỹ - phát huy lợi thế, khơi dậy tiềm năng
Trong suốt chiều dài phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ luôn là địa bàn trọng điểm, đóng vai trò then chốt “gánh” 2 trụ cột đầu tiên trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp chất lượng cao. Để tiếp tục phát huy thế mạnh lên một mức cao hơn, những năm qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Vùng cảng biển sôi động và tiềm năng là động lực để Phú Mỹ trở thành thành phố mới |
Đến nay, Phú Mỹ có 9 khu công nghiệp tập trung và 3 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 5.000 ha, chiếm gần 60% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh, thu hút 284 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Lợi thế của Phú Mỹ chính là cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Tại đây có 24 dự án đi vào hoạt động, công suất hơn 130 triệu tấn/năm. Cụm cảng này có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới, hàng năm đóng góp cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Điều đó khẳng định rằng: Tiềm năng của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đủ sức để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu lớn và cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới.
Cùng với sự phát triển hệ thống cảng, hàng loạt các dự án kho bãi, logistics cũng ra đời. Đáng chú ý, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô gần 2.000 ha trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt và đang xúc tiến các bước tiếp theo.
Để phát triển tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, sân bay quốc tế Long Thành… và xa hơn là dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ được đầu tư trong tương lai gần.
Kho cảng PV GAS Vũng Tàu, trong đó có kho cảng LNG, là điểm nhấn năng lượng tạo nên sức mạnh phát triển Phú Mỹ và cả tỉnh BR-VT |
Năm 2023 tại Phú Mỹ, Kho cảng LNG Thị Vải, có sức chứa 180.000 m3 do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 300 triệu USD, lần đầu tiên đưa LNG về Việt Nam phục vụ cho chiến lược phát triển năng lượng sạch của nước nhà.
Bám sát các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và triển khai đề án đưa thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố loại II vào năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xúc tiến xây dựng 3 đề án về phát triển kinh tế - xã hội tại Phú Mỹ gồm: Đề án “Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ”; Đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới” và Đề án “Nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ: Tỉnh đang tập trung xây dựng các đề án phát triển Phú Mỹ. Trên cơ sở đó, địa phương dựa vào các đề án, chương trình của tỉnh để xây dựng chiến lược cho Phú Mỹ phát triển bền vững, sát với thực tiễn.
Có thể khẳng định rằng cùng với hàng loạt cơ chế chính sách thông thoáng, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thị xã Phú Mỹ đang nỗ lực hết mình cho công tác thu hút đầu tư, xem đây là bước đột phá quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển, phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành đô thị loại II của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại, thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm đứng đầu của cả nước.
Nguồn: PetroVietnam